Công việc Lập trình viên dưới góc nhìn của một nữ Tech Lead sẽ như thế nào?

Mở đầu cho series Talk With Us – Chuyên mục mới đến từ nhà OSP, nơi bật mí 1001 bí mật về ngành Công nghệ thông tin từ góc nhìn của “những người trong cuộc”, câu chuyện của tháng 4 sẽ là những chia sẻ đến từ một trong số những lập trình viên nổi bật nhất hiện nay của OSP GROUP – chị Đỗ Thị Hồng Hà (Trưởng nhóm Mobile App – Phòng Công nghệ – Trung tâm Công nghệ). Cùng theo dõi để xem công việc như Lập trình viên dưới góc nhìn của một nữ Tech Lead sẽ như thế nào nhé!

Lập Trình Viên – Liệu có dành cho phái đẹp?

Xin chào chị Hà. Lời đầu tiên, chào mừng chị Hà đã đến với Talk With Us và cảm ơn chị đã đồng ý trở thành khách mời đầu tiên của series. 

Xin chào ekip Talk With Us và các bạn đọc của OSP GROUP. Mình rất vui khi trở thành thành viên đầu tiên của OSP có mặt trong chuyên mục này. 

Đầu tiên, không biết chị Hà có thể chia sẻ một chút về hành trình đến với nghề lập trình được không? 

Hành trình đến với công việc Lập trình viên của mình hơi lòng vòng vì vốn dĩ, từ nhỏ mình luôn mơ ước trở thành giáo viên. Tuy nhiên, may mắn cho các mầm non của đất nước vì đã có một bước ngoặt khiến mình thay đổi. Đó là vào năm lớp 7, trường của mình dạy lập trình Pascal là môn học ngoại khóa. Vậy là hành trình định mệnh giữa mình và code bắt đầu từ đây. Lớn hơn một chút, Internet trở nên phổ biến hơn, thế là đến lớp 8, lớp 9, mình bắt đầu tự học làm website, ra tiệm sách mua sách học về PHP, HTML, Javascript.

Lên cấp 3, mình thi đỗ và theo học lớp Chuyên Tin của trường Hà Nội Amsterdam. Ở thời điểm đó thì cũng chưa xác định muốn theo đuổi công việc này, vì thích nên cứ học thôi. Thậm chí đến lớp 12, mình vẫn băn khoăn rất nhiều giữa Đại học Bách Khoa, Đại học Ngoại Thương và Học viện Ngân Hàng. Chỉ đến khi ngồi lại và suy nghĩ thật thấu đáo về ưu nhược điểm của bản thân, mình mới quyết tâm lựa chọn Đại học Bách Khoa và theo đuổi đam mê của bản thân cho đến ngày hôm nay. 

Ở thế hệ của chị, các gia đình thường sẽ không muốn cho con gái học công nghệ vì sợ con vất vả hoặc thường cho rằng những công việc này là dành cho nam giới. Vậy gia đình của chị Hà thì sao? Quyết định của chị có được ủng hộ bởi các thành viên trong nhà không?

Phải nói thật, khi mình chọn theo học tại Bách Khoa, gia đình mình không thực sự ủng hộ. Tuy nhiên, mình đã thuyết phục mọi người là mình nghiêm túc và sẽ tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của bản thân. Mình cũng tăng tính thuyết phục bằng cách liệt kê những lợi thế khi học Bách Khoa với bố mẹ, ví dụ như trường gần nhà, tiết kiệm chi phí đi lại (cười). 

Về sau, mình đã chứng minh được lựa chọn lúc đó của mình là đúng đắn khi mà đã gắn bó với công việc lập trình hơn 10 năm, kể từ khi ra trường. 

Có thể thấy là hành trình “làm Dev” của chị Hà cũng gặp không ít khó khăn. Vậy hãy cùng nói về chuyện những người phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin (CNTT). Theo một báo cáo của TOPDEV thì hiện nay, ở Việt Nam chỉ có khoảng hơn 7% nhân sự là nữ giới đang làm việc trong ngành này. Theo chị thì đâu là lý do khiến dẫn đến tình trạng này?

Không chỉ ngành CNTT mà những ngành Kỹ thuật nói chung, tỷ lệ nhân sự nữ tương đối thấp. Theo mình, nguyên nhân trước hết đến từ quan điểm: công việc thuộc những ngành kỹ thuật, côn nghệ thường rất cứng nhắc, khô khan và rập khuôn. Trong khi đó, đa số mọi người vẫn có tư tưởng nữ giới sẽ phù hợp với những công việc mang tính linh hoạt và mềm mỏng hơn. 

Lý do thứ 2 xuất phát từ đặc thù của ngành CNTT. Hiện nay, chúng ta áp dụng công nghệ vào tất cả các ngành nghề và bản thân con người thì đang hoạt động liên tục, không kể ngày đêm. Cũng vì vậy mà nhân sự trong ngành CNTT cần luôn theo sát công việc và phải liên tục cập nhật thông tin, kiến thức mới về nghiệp vụ của mình. Ở Việt Nam, mặc dù đã có rất nhiều thay đổi trong quan niệm về vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, xã hội nhưng dường như các nhân sự nữ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể tập trung vào nghiệp vụ chuyên môn lâu dài. 

Từ góc nhìn của mình thì rào cản khiến cho nữ giới khó tiếp cận với các công việc trong lĩnh vực CNTT phần lớn đến từ định kiến giới và định kiến nghề nghiệp. 

Là một lập trình viên nữ đã có hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực CNTT, đã có bao giờ chị cảm thấy quá áp lực, mệt mỏi và muốn từ bỏ công việc này chưa ạ? Những lúc đó thì chị làm gì để có thể lấy lại cân bằng ạ?

Trong hơn 10 năm theo nghề, không ít lần, mình đã từng có suy nghĩ: “Hay bỏ quách đi, làm cái khác” và những lúc như này, bố mẹ lại trở thành nguồn cảm hứng để mình lấy lại cân bằng cho bản thân. Bố mình là một nhà giáo, còn mẹ là bác sĩ, những người đã đặt trọn tâm huyết vào công việc của mình, dành cả cuộc đời để cứu sống bệnh nhân và dạy dỗ học trò nên người. Chắc chắn là trong hàng chục năm làm nghề, hai người đã từng trải qua nhiều khó khăn và đối mặt với nhiều điều trăn trở hơn mình ở hiện tại. Vậy là cứ nghĩ đến sự nhiệt huyết và bền bỉ của bố mẹ, chị lại có động lực để bình tâm lại, hít thở thật sâu, sắp xếp lại công việc và tiếp tục cố gắng. 

Vậy với những kinh nghiệm của bản thân, theo chị, các nhân sự nữ nói chung và các bạn có mong muốn trở thành lập trình viên nói riêng sẽ cần xây dựng bản thân như thế nào?

Với mình, khi quyết định trở thành lập trình viên, bạn phải luôn sẵn sàng học hỏi và cập nhật thông tin để nâng cao kỹ năng. Với các bạn học sinh, việc đầu tư thời gian cho các các môn ngoại ngữ và tự nhiên có thể cải thiện khả năng tư duy logic – một yếu tố vô cùng quan trọng trong ngành CNTT. 

Tự tin cũng sẽ đem đến cho bạn lợi thế rất lớn, vì khi này bạn luôn ở trong tâm thế sẵn sàng để đón nhận và thử sức. Nguyên tắc của mình là tự tin nhưng tuyệt đối không tự kiêu, vì thực tế ngành CNTT có mức độ cạnh tranh rất lớn, chỉ cần bạn “đứng yên một chỗ” trong khi mọi người đều tiến lên thì đồng nghĩa với việc bạn đang thụt lùi. Khi mà mỗi ngày, chúng ta đều đang chứng kiến sự ra đời của những công nghệ mới, hãy nhắc nhở bản thân không ngừng tìm hiểu, thích nghi và tiến về phía trước. 

Làm Tech Lead ở OSP có gì vui? 

Đã gắn bó với OSP một thời gian, chị có thể chia sẻ một chút về những điểm chị thích nhất khi làm việc tại công ty không?

Điểm đầu tiên và cũng là lý do khiến mình gia nhập OSP là đồng nghiệp. So với những công ty trước đây của chị, đồng nghiệp ở OSP thuộc nhiều lứa tuổi hơn và dù là các anh chị lớn hơn hay các bạn nhỏ tuổi hơn thì mình đều có thể học hỏi rất nhiều từ mọi người. Bầu không khí trong công ty khá dễ chịu vì mọi người đều cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. 

Điều thứ 2 khiến mình muốn gắn bó với OSP có lẽ là sự hỗ trợ từ cấp trên. Từ những lãnh đạo cấp cao như anh Dũng – Tổng Giám Đốc, rồi anh Trung – Giám đốc Công nghệ hay quản lý trực tiếp của mình là bạn Lợi Trưởng phòng đều sẽ cho mình lời khuyên để xử lý công việc tốt hơn và tạo điều kiện để mình có thể chủ động vận hành team Mobile App. Thay vì chỉ nói mấy câu như “Các em hãy làm việc chăm chỉ, hãy cống hiến đi!” thì các anh đồng hành cùng nhân sự, hướng dẫn các bạn xây dựng định hướng cho bản thân, giúp các bạn tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm. 

Cuối cùng, mặc dù bản thân không thích những sự kiện tụ tập nhưng phải công nhận là những chương trình chung của OSP làm mình cảm thấy vui vẻ hơn. Ví dụ như cuối năm vừa rồi, chúng ta có một cuộc thi văn nghệ và cứ chiều hết giờ làm lại í ới gọi nhau đi tập hay gần đây nhất vào 8/3, mọi người cùng nhau chuẩn bị trang phục để dự thi Miss Grand OSP. 

Vậy có điểm nào mà chị không thích hay chưa hài lòng không? 

Tiện đây cũng phải chia sẻ luôn là nhiều khi cảm thấy hơi bơ vơ một chút xíu vì hiện nay OSP có khá ít lập trình viên nữ. Hy vọng trong tương lai, team Tuyển dụng và Team Truyền thông sẽ có những “chiêu thức” để “chiêu mộ” được  nhiều thành viên nữ hơn về với team Dev chúng mình. 

Có một cái mà mình khá “ghim” công ty, đó chuyện chuyển văn phòng. Trước đây nhà mình ở Minh Khai còn công ty ở Duy Tân, mỗi ngày phải mất hơn một tiếng đồng hồ để đi và về. Thế là mình quyết định mua nhà bên Trần Thái Tông để được trải nghiệm cảm giác sáng ra thong dong đi bộ tới công ty. Cơ mà chưa được bao lâu, công ty lại chuyển về Trần Bình và tức nhiên, mình thì chưa đủ giàu để có thể chuyển nhà thêm lần nữa, nên đành ngậm ngùi gác lại ước mơ đi bộ đi làm.

Đã nói về những điểm thích nhất và không thích nhất rồi, vậy chị có thể chia sẻ về một kỷ niệm khiến chị nhớ mãi không khi làm việc ở OSP GROUP không ạ? 

Kỷ niệm ấn tượng nhất đối với mình là lần thực hiện dự án MobiCTV, vào cuối năm ngoái (2022). Với một người khá nguyên tắc và yêu cầu mọi thứ phải tuân theo quy trình như mình,  hoàn thành deadline trong 15 ngày là bất khả thi. Tuy nhiên, bọn mình vẫn hạ quyết tâm và cố gắng hết sức. 

Vậy là lần đầu tiên trong hơn 10 năm làm Dev, mình có một luồng làm việc kiểu vừa giao tiếp với QA, BA, Backend và vừa code, review output với các thành viên, tất tần tật mọi thứ trong một ngày và lặp lại như vậy trong 15 ngày để chạy kịp tiến độ. Với sự nỗ lực của tất cả các team, cuối cùng, bọn mình đã hoàn thiện sản phẩm theo đúng deadline và MobiCTV sau đó có nhận được giải thưởng sáng kiến cấp Tổng Công Ty Viễn thông MobiFone. Một trải nghiệm đáng nhớ nhưng phải thú thật là mình không muốn bị deadline “dí” như vậy lần nào nữa đâu. 

MobiCTV – Một trong những sản phẩm mới nổi bật nhất trong năm 2022 đã được đội ngũ của OSP hoàn thiện chỉ trong 15 ngày

Buổi phỏng vấn của chúng ta đã đi đến hồi kết. Trước khi gửi lời chào tạm biệt, chị Hà có lời nhắn nhủ đến các bạn đọc của Talk With Us không? 

Lời đầu tiên, mình muốn cảm ơn Talk With Us đã cho mình cơ hội để chia sẻ về bản thân và công việc của mình. Đây thực sự là một trải nghiệm rất mới đối với mình và hy vọng rằng sẽ có thể gặp lại Talk With Us vào một dịp khác. 

Gửi tới các bạn đọc của Talk With Us, dù có theo đuổi bất kỳ lĩnh vực, công việc nào, mình hy vọng bạn đều xây dựng được cho bản thân tinh thần học hỏi và sẵn sàng thử sức. Đôi khi việc học hỏi không chỉ là từ những người lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm hơn mà bạn hoàn toàn có thể khám phá ra lối tư duy mới, định hướng mới từ những người bạn đồng trang lứa. Cuối cùng, hãy luôn kiên định với ước mơ của bản thân nhé, mình tin chắc là các bạn sẽ tìm được con đường đi tới thành công dành cho mình. 

Vâng, em tin chắc rằng những chia sẻ trên đây của chị Hà sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn trẻ đã và đang theo đuổi công việc mơ ước của mình. Thay mặt ekip, cảm ơn chị Hà đã dành thời gian cho Talk With Us và cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài phỏng vấn của chúng mình ngày hôm nay. Hẹn gặp lại các bạn trong những số tiếp theo của Talk With Us. 

Liên hệ với chúng tôi